Trường Nhật Ngữ Ngôi Sao Xanh

Hotline: 090 808 2288 - 093 898 2028

Email: nhatngu.nsx@gmail.com

Tinh thần đoàn kết của người Nhật Bản

Ngày đăng: 20-09-2017 | 2:17 PM | 7551 Lượt xem | Người đăng: admin

Vì sao người Nhật đoàn kết?

Sức mạnh của Nhật Bản ai cũng biết, điều này đối với những ai đã và đang đi du hoc Nhật Bản cũng đều biết tới nhưng cho tới nay đó vẫn là điều không dễ gì bắt chước. Một trong những yếu tố đó là tinh thần đoàn kết trong sinh hoạt tập thể

Tôi đã sống ở Nhật một thời gian khá dài, và trong quãng thời gian đó, nguyên nhân của những mặt tích cực của xã hội Nhật luôn là điều thôi thúc tôi đi tìm câu trả lời và sự lý giải sâu xa nhất.
Tuy nhiên, phải sau 7 năm ròng, tham gia vô số các hoạt động tập thể từ lớn tới nhỏ, quan sát, lý giải hệ thống và phương pháp giáo dục của người Nhật từ mẫu giáo trở đi, tôi mới có câu trả lời cho rất nhiều câu hỏi của mình.
Từ trước tới nay, người Nhật luôn được cả thế giới ngưỡng mộ vì tinh thần tập thể, sự đoàn kết, trật tự đáng kinh ngạc trong mọi hoàn cảnh, ngay cả trong những thời khắc nguy nan nhất. Không còn nghi ngờ gì nữa, chính sự đoàn kết cũng là yếu tố quan trọng đem lại sự giàu có, thịnh vượng và cả sự an toàn ổn định bậc nhất cho quốc gia này.
Sức mạnh của sự đoàn kết

Đoàn kết không phải chỉ là lời nói

Bên cạnh các yếu tố văn hóa, lịch sử tinh thần Samurai, sự phân cấp xã hội từ xa xưa dẫn tới tinh thần tuân phục của người dân trong thời hiện đại, yếu tố địa lý: đất nước bị cô lập giữa 4 bề biển cả và luôn phải đối mặt với thiên tai nghiệt ngã nên cần sự đoàn kết để vượt qua nghịch cảnh… thì có những yếu tố lý giải về sự đoàn kết của người Nhật rất dễ hiểu thông qua các hoạt động thường ngày, nơi tinh thần dân tộc được biến thành hoạt động thiết thực.

Đoàn kết có phải chỉ là lời nói? Người ta thường hô hào nhau hãy đoàn kết lại, nhưng lại rất khó gọi tên những biểu hiện cơ bản của đoàn kết, mà chỉ suy nghĩ chung chung và mơ hồ rằng đó là sự gắn kết và giúp đỡ của các cá nhân.

 

Đối với người Nhật, đoàn kết được thể hiện thông qua các biểu hiện rất cụ thể và cơ bản: Sự đồng tâm nhất trí giữa tiêu chuẩn hành động và suy nghĩ chung đối với các vấn đề có tính cộng đồng, sự tuân phục của đám đông với các chỉ thị hơn là tự làm theo ý muốn của cá nhân, sự phối hợp nhuần nhuyễn trong mọi hoạt động lớn nhỏ và thiết lập sự công bằng cho tất cả mọi người.

Khi cùng hành động đồng thuận và thấu hiểu lẫn nhau, hiệu quả hành động của đám đông sẽ đạt được tới mức cao nhất trong mọi vấn đề. Một người Nhật thông thường luôn được tôn trọng không gian cá nhân, nhưng khi anh ta thuộc về tổ chức nào đó, anh ta sẽ được hòa vào hàng trăm hoạt động tập thể từ bé tới lớn. Sự kết nối của anh ta đối với cộng đồng không chỉ mang ý nghĩa tham dự, mà còn là trách nhiệm đóng góp.

Tinh thần đoàn kết dân tộc Nhật Bản

Lợi ích của việc hành động theo đám đông rất rõ ràng

Trái ngược với những định kiến về quan niệm sống coi trọng cộng đồng thì sẽ hy sinh lợi ích cá nhân, người Nhật càng biết cách biến sức mạnh của việc hành động theo đám đông đem lại lợi ích cho mỗi người cụ thể: Nhờ có đoàn kết mà mọi quyền lợi đều được ưu tiên, tính công bằng trong xã hội luôn được đảm bảo cho dù đối với bất cứ tầng lớp nào.

Tham gia các hoạt động tập thể tại Nhật, bạn sẽ dễ dàng nhận ra người Nhật có sự đồng thuận và thấu hiểu nhau rất cao. Ai cũng đóng vai trò là một bánh răng nào đó, lại thêm sự đồng thuận là chất dầu bôi trơn nên mọi sự kiện đều diễn ra hết sức trơn tru, êm ả, thuận lợi.

Đó là lý do khiến nhiều người sẽ rất ngạc nhiên khi người Nhật đồng ca hay đồng thanh đọc diễn văn rất nhịp nhàng, không bao giờ trật nhịp hay rơi vào cảnh người nói trước người nói sau. Khi tổ chức chụp ảnh tập thể, người Nhật ổn định vị trí rất nhanh và việc chụp ảnh diễn ra chỉ trong nháy mắt để mọi người có thể làm việc khác.

Tại khắp nơi trên đất nước Nhật, người ta luôn kiên nhẫn xếp hàng trong trật tự, chỉn chu, không chỉ đối với mua sắm, với các dịch vụ công, mà ngay cả với các công việc đơn giản như đi vệ sinh, chờ đợi chụp ảnh, gọi điện thoại công cộng…

Ngay cả trong thiên tai, người Nhật không bối rối, lúng túng hay hỗn loạn mà càng như những chú kiến lửa bất khuất có khả năng kết vào nhau để luôn nổi trên mặt nước. Tất nhiên để đạt được đồng thuận trong suy nghĩ và hành động đối với đám đông là điều rất khó khăn, nhưng người Nhật đã có cách làm riêng của mình: Đó là sự kết hợp giữa giáo dục ở cấp từ nhỏ nhất tới thực hành liên tục trong mọi hoạt động của đời sống. Giáo dục và tập luyện thường xuyên.
Sức mạnh của sự đoàn kết
Nhớ lại lần đầu tiên tôi cảm nhận mình thấu hiểu sâu hơn câu chuyện về tinh thần đoàn kết của người Nhật đó là khi tham gia tình nguyện làm sạch bãi rác ở bờ sông thành phố sau lễ hội pháo hoa. Buổi nhặt rác bắt đầu từ rất sớm với cả ngàn người tham dự vì vùng bờ sông kéo dài tới gần 3km, cần huy động lực lượng lớn chung tay.

Với số lượng người như vậy, và mỗi cá nhân lại thuộc các tổ chức khác nhau (các công ty trong thành phố, hội người cao tuổi, học sinh cao trung…), nhưng họ phân chia công việc rất nhịp nhàng, và chỉ trong vòng chưa đầy một tiếng, toàn bộ số rác trải dài suốt 3km đã được thu dọn sạch, chất đống tại nơi tập kết.

Được giáo dục từ bé và thường xuyên tập luyện

Đối với cá nhân tôi, chứng kiến việc “thực hành đoàn kết” trong mọi hoạt động của người Nhật mới hiểu: Thì ra thế, đoàn kết chưa bao giờ là câu nói. Đoàn kết phải là hành động, và hành động ấy phải được thực hành thường xuyên, lặp đi lặp lại trong mọi mặt đời sống. Tôi đem chia sẻ này tâm sự với cô giáo tiếng Nhật cũ và nhận được nụ cười nhẹ nhàng từ cô: “Cái gì chỉ nói không sẽ không bao giờ đạt hiệu quả mà phải làm. Ngay từ bé trở đi chúng tôi đã được gắn với vô vàn các hoạt động tập thể và mỗi lần đều như một lần tập luyện với nhau”.

Nhờ thấu hiểu nên người Nhật mới sinh ra khái niệm “nghĩ cách nghĩ của người Nhật, làm cách làm của người Nhật” - và đây chính là biểu hiện cao nhất của tinh thần dân tộc. Có thể gọi tên ra đây tới hàng trăm hoạt động tập thể mà mỗi người Nhật tham gia trong cả quãng đời của mình: Tại các trường học, các hoạt động ngoại khóa, học tập tập thể được coi như tiền đề cho các bài học đạo đức cơ bản. Tại các công ty, hàng trăm hoạt động của công ty như chào lễ, tiệc tập thể, phố hợp team work… góp phần gắn kết các nhân viên. Tại cộng đồng cư trú, các hoạt động lễ hội, tình nguyện…góp phần gắn kết người dân với nhau.
Đoàn kết giúp ta vượt qua khó khăn
Tôi từng khá ngạc nhiên khi chỉ hai tháng gửi con đi học, hội phụ huynh và học sinh ở trường đã “nhẵn mặt nhau” cả. Nhưng không nhẵn mặt sao được khi tháng nào cũng có các hoạt động tập thể, dã ngoại, lễ hội, thể dục thể thao… mà các gia đình cùng tham gia.

Lý giải cho điều này, giáo viên của con tôi đã nói: “Nếu chỉ đưa đón con đi học thì cha mẹ và học sinh lẫn nhà trường sẽ không bao giờ có cơ hội giao lưu, thấu hiểu và hỗ trợ nhau, mà đây cũng là một yếu tố đem lại hiệu quả giáo dục”.  

Hay một ví dụ rất điển hình khác là ngày hội thể thao thường niên Undoukai của người Nhật - ngày hội thể thao lớn và quan trọng nhất thường được tổ chức vào tháng 10 hàng năm tại các trường học các cấp. Bắt nguồn từ thời Minh Trị, khi nước Nhật quyết tâm cải cách và khao khát thu nhận các giá trị văn hóa phương Tây, Undoukai từ một ngày hội thể thao đã trở thành sự kiện mang mục đích quốc gia, vì tinh thần dân tộc của xã hội Nhật. Và yếu tố “vì tinh thần dân tộc” ấy, ngoài đào tạo ra các thế hệ công dân khỏe mạnh, tráng kiện, còn mang ý nghĩa kết nối con người mạnh mẽ thông qua các hoạt động thi đấu tưởng chừng có tính đối kháng và ganh đua.

Quá trình tổ chức Undoukai khiến học sinh, trẻ nhỏ các cấp, tới nhà trường, hội phụ huynh cùng chung tay đoàn kết, chia sẻ sự nỗ lực và các giá trị chung. Các môn thi đấu trong Undoukai, ngoài các môn mang tính đua tranh, thì đa phần đều là các phần thi đòi hỏi sự phối hợp, đồng thuận và nhất trí của các thành viên. Tiếng là thi đấu, nhưng với Undoukai mọi người lại xích lại gần nhau hơn và trẻ em được học những bài học sơ khai dễ hiểu nhất về tinh thần tập thể

Tinh thần này xuất phát từ nền văn hóa nông nghiệp khá đặc thù của dân tộc Nhật.

Thật vậy, họ không làm việc đồng áng một cách đơn độc từng nông gia mà một cách tập thể. Theo truyền thống, các gia đình gần nhau sẽ hợp sức lại và chia ra, hôm nay cùng làm phụ cho nhà này, hôm sau cùng làm phụ cho nhà khác. Tại Nhật Bản, thường mỗi năm thu hoạch một lần, nông dân gieo mạ vào mùa xuân, cấy lúa vào khoảng tháng 6 tức vào dầu mùa mưa và gặt vào khoảng tháng 10 hay 11. Khi gặt hái xong, họ cùng nhau tổ chức các buổi lễ cảm tạ thần linh. Các sinh hoạt tập thể, cùng hướng về mục tiêu chung, nương tựa lẫn nhau mà sinh tồn trong công việc đồng áng nặng nhọc và khó khăn… đã gắn bó với nguời Nhật ngay cả khi họ buớc chân vào đô thị, sống cuộc sống văn minh cơ khí và điện tử. Ðể đạt năng xuất cao, công việc đồng áng cũng rất cần sự tính toán chính xác, cẩn thận, từng chi tiết và nhanh chóng ứng biến với thời tiết… tạo cho nguời Nhật tình thần nguyên tắc và nhẫn nại chứ không tùy tiện.

Tâm trí bình thường, có khi hơi chậm, nhưng nhờ không ngại khó khăn và chịu khó học hỏi nên phát triển rất nhanh. Mang nặng tinh thần Ðông Phương nhưng cũng du nhập mạnh mẽ tinh thần Tây Phương. Có tính nguyên tắc dù không thích, rất kỷ luật, có tinh thần tập thể cao. Nên tách riêng một nguời Nhật thì yếu nhưng tập thể của họ thì rất mạnh. Ðặc biệt rất trọng lễ nghĩa nhất là nguời già hay nguời có địa vị, khi gặp mặt cũng như khi từ giã, cúi chào mấy lần mới xong. Hơi một tí là cám ơn và xin lỗi. Nhưng có điểm lạ là đôi khi cấp trên la mắng cấp dưới rất nặng, rất dai truớc mặt những nguời khác, mặc dù đôi khi cấp duới không có lỗi hay chỉ phạm lỗi nhỏ. Lạ hơn nữa là tuy la mắng nhu vậy nhưng lại ít để bụng, không thù dai, sau đó lại làm việc như thuờng. Cấp dưới ít khi dám cãi lại cấp trên, tất nhiên có khi chịu không nổi thì cấp dưới xin nghỉ. Trong trường hay công ty, quan hệ đàn anh và đàn em đôi khi nặng hơn quan hệ gia đình.

Người Nhật rất kỹ lưỡng trong việc ăn uống

Họ rất kỹ lưỡng trong việc ăn uống, sạch sẽ và chịu khó lau chùi nhà cửa, thường mặc đồ trắng khi làm việc, như tài xế taxi đeo găng trắng, phụ nữ khi mặc “kimono” di dép (hở gót) dùng tất trắng, đôi khi bộ đồ của thợ sửa xe cũng mầu trắng… Xe hơi của nhà đa số sơn trắng, nhưng mặt khác các xe sang trọng thì sơn mầu den. Vải mầu đỏ trắng tuợng trưng cho vui tươi treo trong các dịp hội lễ, còn đen trắng là mầu buồn, đi dự đám tang thuờng mặc toàn đen.

Người Nhật cũng rất thích ca hát!

Họ rất thích ca hát, ngày xuân rủ nhau ra công viên ngắm hoa Anh Ðào gọi là “hanami” (hoa kiến) rồi cùng nhau hát. Hay khi có tiệc tùng, sau khi ngà ngà là bắt đầu màn ca hát, dù là nguời có địa vị như Thủ Tuớng cũng đơn ca theo nhạc “Karaoke” (“Karaoke” xuất phát từ Nhật Bản năm 1971 do nhạc công Inoue Daisuke chuyên đệm trống ở ngoại ô Kobe sáng tạo ra). Có khoảng 60 triệu nguời Nhật và 20 triệu người Ðông Nam á… đang hát Karaoke. Cả nam nữ, lão ấu dều mặc “Kimono” , thường là loại mỏng mùa hè như áo ngủ ở các hội lễ, và rất thích múa tập thể, có khi lên dến cả ngàn nguời. Khi rước kiệu nặng một vài tấn, đàn ông thuờng mặc khố trắng ngắn ở trần, đàn bà thì mặc áo “Kimono” mỏng và quần đùi. Hơn hình ảnh nào hết, các cuộc rước lễ đã nói lên tất cả sự đoàn kết và sức mạnh của dân tộc Nhật Bản.

 

Bài học từ nước Nhật có thể cho chúng ta nhiều suy ngẫm: Trong các hoạt động ngày thường, người Việt Nam thiếu sự thấu hiểu, đồng thuận với nhau, chúng ta cũng thiếu các hoạt động tập thể trong đó khâu tổ chức có tính chỉ thị cao để mọi người cùng tuân theo, sự ích kỷ và lợi ích cá nhân, cái tôi, bản ngã của mỗi người quá lớn,…

Đoàn kết chưa bao giờ là lý thuyết xa xôi hay là khái niệm khó đạt được, nhưng nếu không có thực hành, nó sẽ mãi chỉ mang tính hô hào vào không thực sự kết nối được mỗi cá nhân trong cộng đồng.

 Chia sẻ

Bản quyền 2017: Tất cả bản quyền thuộc về Trường Nhật Ngữ Ngôi Sao Xanh